Trước năm 1963 – tức thời điểm vắc xin sởi đầu tiên được giới thiệu và triển khai tiêm rộng rãi thì sởi là một căn bệnh truyền nhiễm cực kỳ phổ biến. Tại thời điểm đó, không có biện pháp phòng ngừa chủ động nào, khiến mắc bệnh vô tình trở thành cách có miễn dịch. Theo CDC Hoa Kỳ, hầu hết những người sinh trước năm 1957 đều đã từng bị sởi khi còn nhỏ, vì tỷ lệ lây nhiễm gần như tuyệt đối trong cộng đồng chưa có miễn dịch vắc xin.

Ảnh minh họa

Không giống các thế hệ sau được tiêm phòng từ nhỏ, những người thuộc thế hệ này thường trải qua sởi một cách tự nhiên và cơ thể họ tự sản sinh ra kháng thể chống lại virus. Miễn dịch sau khi mắc sởi tự nhiên thường kéo dài suốt đời, thậm chí hiệu quả hơn cả tiêm chủng.
Vì lý do đó, CDC Hoa Kỳ, WHO, GAVI và nhiều tổ chức y tế lớn đồng thuận rằng, người sinh trước 1957 thường được mặc định là có miễn dịch sởi, trừ khi có bằng chứng ngược lại. Ví dụ như xét nghiệm cho thấy không có kháng thể, hoặc cá nhân khẳng định chưa từng mắc bệnh. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mọi người sinh trước 1957 đều hoàn toàn an toàn trong mọi tình huống và không cần tiêm vắc xin sởi.
Khi nào người sinh trước năm 1957 vẫn cần tiêm vắc xin sởi?
Dù miễn dịch tự nhiên có thể tồn tại lâu dài, không phải tất cả người sinh trước 1957 đều an toàn tuyệt đối với sởi, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh có nguy cơ quay trở lại do tỷ lệ tiêm chủng sụt giảm. CDC và WHO đều khuyến cáo một số trường hợp vẫn nên tiêm vắc xin sởi, nhất là vắc xin sởi kết hợp 3 trong một MMR (sởi – quai bị – rubella) dù sinh trước 1957:
– Người làm trong môi trường y tế hoặc môi trường có nguy cơ phơi nhiễm cao. Như làm việc trong môi trường liên quan tới y tế, giáo dục, tiếp xúc với trẻ em – nhất là trẻ chưa tiêm vắc xin sởi. Họ sẽ thường phải tiêm vắc xin sởi, thậm chí tiêm bổ sung nếu không có xét nghiệm kháng thể IgG dương tính.
– Người có hệ miễn dịch suy giảm nhẹ theo tuổi hoặc có bệnh nền mạn tính. Mặc dù vắc xin sởi ngày nay là vắc xin sống giảm độc lực, nhưng người cao tuổi khỏe mạnh có thể vẫn tiêm được sau khi được bác sĩ sàng lọc.

Ảnh minh họa
– Người chuẩn bị đi đến vùng có dịch sởi bùng phát hoặc có tiếp xúc gần với người nghi mắc bệnh sởi. Bao gồm cả những người thường xuyên di chuyển giữa nhiều quốc gia.
– Người không chắc chắn từng mắc sởi hay chưa, không có hồ sơ y tế rõ ràng. Trong trường hợp này, có thể làm xét nghiệm huyết thanh học (xét nghiệm kháng thể sởi IgG) để xác định đã có miễn dịch hay chưa. Nếu không, vắc xin sởi hoàn toàn có thể tiêm bổ sung an toàn, thậm chí tiêm lại cũng không gây hại nếu đã có miễn dịch.
Ngoài ra, cần lưu ý rằng nhóm người sinh trước năm 1957 là người cao tuổi, nên cần có một vài lưu ý khi tiêm vắc xin sởi. Cần khám sàng lọc kỹ lưỡng trước tiêm, đặc biệt với người có bệnh nền như tim mạch, tiểu đường, ung thư, hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch. Không tiêm vắc xin MMR cho người đang suy giảm miễn dịch nặng, hoặc đang điều trị hóa trị, ghép tạng. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu đang dùng corticosteroids kéo dài hoặc thuốc sinh học. Cũng cần theo dõi sát sao hơn sau khi tiêm dù ở cơ sở y tế hay ở nhà.
Nguồn tổng hợp: CDC Hoa Kỳ, WHO, BVĐK Vinmec